image banner
Một số giải pháp hoàn thiện chế độ thống kê của ngành Kiểm sát nhân dân
Luật thống kê năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông tiên tiến trong hoạt động thống kê nhà nước. Để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; từng bước đổi mới, hiện đại hóa hướng tới tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác này.

    1. Về thực hiện chuyển đổi số công tác thống kê trong ngành Kiểm sát nhân dân

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là: “Nâng cao chất lượng công tác thống kê tư pháp; nghiên cứu việc thống nhất vào một cơ quan thực hiện công tác này”; “… đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa các cơ quan tư pháp”. Ngày 01/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2014/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 30/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác thống kê nhà nước nhằm yêu cầu hiện đại hóa hoạt động quản trị dữ liệu, quản trị dữ liệu theo hướng tập trung và mở trên nền tảng kiến trúc tổng thể và công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại, bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu. Theo đó, quy trình nghiệp vụ thống kê hướng tới sự thay đổi mạnh mẽ nhằm thích ứng với các phương pháp thống kê hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn của nghiệp vụ thống kê và sử dụng các nguồn dữ liệu mới thay thế nguồn dữ liệu điều tra truyền thống. Yêu cầu đặt ra đối với ngành Kiểm sát nhân dân là triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong ngành; đẩy nhanh quá trình ứng dụng kỹ thuật số vào công tác thống kê.

    Với ý nghĩa quan trọng đó, nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn, hướng dẫn, cải cách quy trình nghiệp vụ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, quản trị dữ liệu, kết nối tích hợp dữ liệu; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số (Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân - Chỉ thị số 03/2021; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 về công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 và các văn bản khác liên quan), hoàn thiện chế độ báo cáo thống kê đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

    2. Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp hoàn thiện chế độ thống kê của ngành Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới

    2.1. Khó khăn, vướng mắc

    Đánh giá tổng thể việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân cho thấy bước đầu đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ của ngành. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và trong công tác thống kê nói riêng vẫn còn một số hạn chế như: Hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu và yếu; phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin chưa đủ, chất lượng, hiệu quả khai thác, sử dụng còn thấp; lãnh đạo, công chức, viên chức tại một số đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tác dụng của ứng dụng công nghệ thông tin nên việc tổ chức triển khai thực hiện kết quả chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin chưa tương xứng với yêu cầu,...

    Chế độ báo cáo thống kê và hệ thống chỉ tiêu thống kê đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng thực tế hiện nay đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc. Vì vậy, cần rà soát, hoàn thiện chế độ thống kê của ngành đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; đồng thời, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển theo lộ trình tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu thực tế cấp thiết về tư liệu hóa và chuyển đổi số công tác thống kê tư pháp trong hệ thống thống kê quốc gia tại Việt Nam, cụ thể như sau:

    (1) Nhận thức, thể chế, môi trường pháp lý triển khai công nghệ thông tin trong thực hiện chuyển đổi số công tác thống kê phải được xem là then chốt nhằm đáp ứng việc phân tích, đánh giá hiệu quả công tác nói chung và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp nói riêng. Đề ra mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số khâu công tác này trong các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị.

    (2) Thu thập, tổng hợp số liệu thống kê: Hệ thống biểu mẫu chỉ tiêu đã được ban hành còn cồng kềnh, một số chỉ tiêu ít sử dụng và trùng lặp giữa một số biểu mẫu. Trong khi đó, có những chỉ tiêu mới theo yêu cầu xây dựng báo cáo công tác tại một số thời điểm chưa có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê; những chỉ tiêu này chủ yếu được yêu cầu tổng hợp, báo cáo thêm, chưa được quy định là nguồn số liệu ổn định, do vậy, đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Một số chỉ tiêu khó thực hiện, do chưa hoàn thiện về phương pháp tính giữa các cơ quan tư pháp để thực hiện chỉ tiêu thống kê theo đúng quy định.

    (3) Hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu: Hiện nay, ngành Kiểm sát nhân dân đang sử dụng chung hạ tầng công nghệ thông tin cho công tác thống kê và nghiệp vụ chuyên ngành, chưa có phần mềm thống kê có thể chuyển dữ liệu từ các phần mềm thống kê cũ vào phần mềm thống kê đang sử dụng để thuận tiện cho việc khai thác số liệu. Việc khai thác số liệu cộng dồn nhiều năm mất nhiều thời gian do số liệu cũ còn nằm ở các phần mềm thống kê từ các năm trước; chưa chuyển được dữ liệu thống kê tự động từ phần mềm quản lý án hình sự, dân sự kết xuất ra biểu thống kê; chưa có đường truyền chuyên dùng để truyền số liệu cho toàn ngành, nhằm tăng cường và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Chưa có hệ thống phần mềm thống kê dùng chung cho liên ngành tư pháp theo hướng mỗi cơ quan phải tự cập nhật dữ liệu vào hệ thống.

    (4) Quy trình nghiệp vụ: Mặc dù các quy trình nghiệp vụ của ngành thường xuyên được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định mới của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của ngành nhưng vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa còn có những bất cập, hạn chế nhất định (về xây dựng mới các quy trình xử lý dữ liệu, khai thác dữ liệu trên nền tảng các quy trình nghiệp vụ đáp ứng được cải tiến ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng mới các quy trình kết nối dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn, dữ liệu mở để chuyển đổi thành dữ liệu thống kê; xây dựng mới các quy trình ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phân tích số liệu, báo cáo thống kê, tư liệu hóa, công bố, lưu trữ thông tin, số liệu và các ấn phẩm thống kê).

    (5) Công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho công tác thống kê còn hạn chế; người làm công tác thống kê chưa được tập huấn chuyên sâu và cập nhật những kiến thức tiên tiến, hiện đại, nhất là kỹ năng sử dụng các phần mềm chuyên ngành thống kê, nên phần nào đã làm giảm hiệu quả các phần mềm và kết quả công việc.

    2.2. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chế độ thống kê của ngành Kiểm sát nhân dân

    Thứ nhất, rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu trong lĩnh vực thống kê.

    Rà soát các văn bản, hướng dẫn hiện hành để đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu, cập nhật, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu thống kê của ngành và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu trong lĩnh vực thống kê. Trên cơ sở đó, xác định rõ các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới nhằm hoàn thiện quy định của ngành để triển khai tư liệu hóa và chuyển đổi số công tác thống kê; thực hiện chia sẻ dữ liệu hành chính - tư pháp thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân.

    Thứ hai, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ báo cáo thống kê và hệ thống chỉ tiêu thống kê của ngành.

    Rà soát, đánh giá hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành để xây dựng chế độ báo cáo thống kê mới của ngành bao gồm các số liệu, chỉ tiêu cứng (những số liệu, chỉ tiêu cơ bản, phản ánh quá trình giải quyết vụ việc theo các giai đoạn tố tụng; số liệu về kết quả, tiến độ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản của các khâu công tác kiểm sát; các chỉ tiêu tương đối ổn định để xây dựng báo cáo công tác); nhóm số liệu, chỉ tiêu động (bổ sung bằng phụ lục hoặc báo cáo tổng hợp khi có yêu cầu mới, đột xuất, yêu cầu phân tích chi tiết và các yêu cầu về nghiên cứu, học tập); giảm số lượng các biểu mẫu báo cáo thống kê theo định kỳ, thu gọn các chỉ tiêu thống kê, lược bớt các số liệu, chỉ tiêu ít sử dụng hoặc trùng lặp trong từng biểu mẫu để giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ làm công tác thống kê.

    Thứ ba, thực hiện tư liệu hóa và chuyển đổi số trong công tác thống kê; hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu.

    - Để tư liệu hóa và chuyển đổi số công tác thống kê, ngành Kiểm sát nhân dân phải thực hiện quá trình hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng bắt đầu bằng số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính - tư pháp, lưu chuyển trên môi trường số hóa; tự động hóa một số khâu công tác bằng quy trình nghiệp vụ và hoạt động thống kê tư pháp, tiến tới thực hiện quy trình nghiêp vụ chủ yếu dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin để có thể khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê; nâng cao tính minh bạch, công khai thông tin gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm báo cáo, giải thích một cách chính xác, đầy đủ về các công việc liên quan và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà ngành được giao.

    - Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho công tác thống kê, cập nhật đầy đủ dữ liệu vào các phần mềm (như phần mềm quản lý và thống kê, phần mềm sổ thụ lý điện tử…). Để thu thập thông tin được tiến hành theo hướng tự động hóa, sử dụng các công cụ và môi trường số hóa, phải tập trung đầu tư, hoàn thiện sổ thụ lý điện tử, trước mắt là sổ thụ lý điện tử hình sự để đưa vào sử dụng trong toàn ngành, sau đó tiếp tục xây dựng sổ thụ lý điện tử dân sự. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong nghiên cứu, đề ra các bài toán, yêu cầu quản lý, phối hợp khảo sát thực tiễn, xây dựng, kiểm thử phần mềm... Khi xây dựng và áp dụng thành công các sổ thụ lý điện tử sẽ tiến tới thay thế các sổ thụ lý giấy và thực hiện được việc tổng hợp, kết xuất báo cáo thống kê tự động.

    Thứ tư, hoàn thiện mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách về công tác thống kê.

    - Tập trung “nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức bộ máy và phân công chức năng, nhiệm vụ cho Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin, trong đó thành lập đơn vị hoạt động có thu, có con dấu, tài khoản riêng theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ đầu tư và đào tạo về công nghệ thông tin cho ngành Kiểm sát nhân dân” theo Chỉ thị số 03/2021.

    - Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ tiên tiến cho tư liệu hóa và chuyển đổi số, tập trung vào công tác đào tạo nâng cao nhận thức và tư duy chuyển đổi số, nâng cao năng lực kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng ứng dụng công nghệ mới, đủ trình độ thực hiện quy trình nghiệp vụ thống kê hiện đại.

    - Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng: Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin, VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trường Đại học Kiểm sát...) tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê; kỹ năng thu thập và phân tích dữ liệu thống kê cho công chức, viên chức thuộc hệ thống thống kê của ngành thông qua các hội nghị tập huấn.

    Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp.

    - Phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng cơ sở thống nhất, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng được yêu cầu kết nối, chia sẻ, đối chiếu, so sánh dữ liệu thống kê tư pháp. Dữ liệu công bố, chia sẻ được thực hiện theo quy trình bảo đảm tính bảo mật thông tin và tính an toàn, toàn vẹn của dữ liệu. Việc chia sẻ dữ liệu được thực hiện với quy định cụ thể về cách thức tiếp cận, sử dụng dữ liệu theo nhu cầu và phân loại, phân cấp, phân quyền truy cập đối với các cơ quan, đơn vị liên quan.

    - Phối hợp giữa các đơn vị, Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới và phối hợp giữa cơ quan Viện kiểm sát với các ngành có liên quan (Công an, Tòa án, Thi hành án...) trong việc xây dựng, sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin. Trục tích hợp dữ liệu dùng chung để thực hiện việc thu thập, so sánh, đối chiếu, tiếp ký, chia sẻ số liệu, thông tin thống kê được nhanh chóng, kịp thời... hướng tới kết nối liên thông và từng bước thay đổi phương thức làm việc truyền thống sang môi trường làm việc số.

    - Để tư liệu hóa, chuyển đổi số công tác thống kê đạt hiệu quả cao thì các quy trình nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp cũng phải được nghiên cứu hoàn thiện theo hướng chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Để có được các sản phẩm dữ liệu thống kê một cách chính xác, khoa học, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND các cấp thì cần thay đổi cả quy trình hành chính - tư pháp, mà trước hết là tiếp thu, thay đổi nhận thức, tầm nhìn và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ làm công tác thống kê.


TS. Đỗ Thành Trường (Nguồn kiemsat.vn)
image advertisement

image advertisement

image advertisement
   
image advertisement
 

image advertisement

 

image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0