Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các vụ án số hóa hồ sơ Trong ngành Kiểm sát Hà Giang

Số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao tính thuyết phục trong tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa và có hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Ngoài ra, việc thực hiện số hóa hồ sơ sẽ thuận lợi cho việc lưu trữ, giúp việc truy xuất, tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng.
     Qua nghiên cứu, việc triển khai, áp dụng việc số hoá hồ sơ vụ án hình sự tại Viện kiểm sát hai cấp là cần thiết và thực hiện được. Tuy nhiên với các điều kiện thực tế hiện nay như: Các quy định pháp lý, quy định về sự bảo mật, sự phối hợp liên ngành, các điều kiện vật chất thì việc số hoá hồ sơ chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, chỉ phát huy hiệu quả đối với các vụ án lớn, có nhiều tình tiết phức tạp, có bị cáo phản cung. Còn đối với các vụ án thông thường chỉ nhằm rút ra những kinh nghiệm thực tiễn và là biện pháp để các cán bộ, Kiểm sát viên phải nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, với những hiệu quả mà số hoá hồ sơ mang lại, và trước sự phát triển của công nghệ thông tin thì cần thiết phải thực hiện việc số hoá hồ sơ. Từ đánh giá nêu trên, VKSND tỉnh đề ra một số biện pháp như sau:
     Một là: Lãnh đạo đơn vị cần quán triệt đầy đủ và nhận thức đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02.6.2005 của Bộ Chính trị đã đề ra là nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp.
     Thứ hai: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Tòa án thực hiện tốt quy chế phối hợp trong xét xử án hình sự, đảm bảo việc tổ chức các phiên tòa số hóa hồ sơ theo hướng hiệu quả thiết thực, tránh hình thức.
    Thứ ba: Đối với Kiểm sát viên phải nghiên cứu kĩ nội dung vụ án, nắm vững các chứng cứ, tài liệu để khi xét xử việc sử dụng các chứng cứ, tài liệu trình chiếu và chứng minh tội phạm được dễ dàng, thuyết phục. Đồng thời phải tìm hiểu và áp dụng các kiến thức về công nghệ thông tin tránh lúng túng trong thao tác.
    Thứ tư: Để thực hiện có hiệu quả công tác số hóa hồ sơ, việc số hóa phải được thực hiện xuyên suốt quá trình từ khi bắt đầu thụ lý đến khi kết thúc điều tra, truy tố, tài liệu được cập nhật thường xuyên, tránh tình trạng đến khi hồ sơ gần chuyển tòa mới bắt đầu làm các thao tác số hóa, sẽ mất nhiều thời gian, công sức.
    Thứ năm: Các đơn vị cấp huyện cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, nhất là sự phối hợp của Tòa án nhân dân, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất như máy tính có cấu hình cao để lưu trữ toàn bộ hồ sơ số hóa của đơn vị, mua thêm máy scan để phục vụ số hóa.
 

Tác giả bài viết: Thùy Chi