Thông báo rút kinh nghiệm công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Thông qua công tác theo dõi, kiểm tra công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố (thời điểm từ 01/12/2022 đến 30/9/20223),
Phòng Thanh tra – Khiếu tố Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang thấy Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Các đơn vị đã kịp thời giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện bức xúc, kéo dài, trở thành “điểm nóng”. Các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố đã cơ bản thực hiện đúng các quy định của pháp luật và của ngành về công tác tiếp công dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, Trên cơ sở theo dõi kết quả kiểm sát việc ban hành Quyết định trực tiếp kiểm sát của một số đơn vị cấp huyện, thành phố VKSND cấp huyện, thành phố, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang (phòng Thanh tra Khiếu tố) thông báo một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như sau:
1. Việc xác định đối tượng kiểm sát của một số đợn vị VKSND cấp huyện, thành phố.
Qua kiểm tra Quyết định, kết luận và kiến nghị của một số đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố về trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại Chi cục Thi hành án huyện, thành phố, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang nhận thấy: Việc ban hành Quyết định và tiến hành trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố của Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố là không đúng đối tượng kiểm sát, bởi lẽ:
Theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tại Điều 17 Quy chế quy định: Các biện pháp kiểm sát, căn cứ và việc áp dụng; ban hành các văn bản trong hoạt động kiểm sát; kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị.
“1. Các biện pháp được áp dụng khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp gồm có:
a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo.
b) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình, cấp dưới và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát.
c) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát.
d) Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền.
2. ....................................
3. Việc áp dụng các biện pháp kiểm sát được quy định như sau:
a) Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự và thi hành án hình sự được áp dụng tất cả các biện pháp kiểm sát; trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án dân sự được áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này”.
Theo văn bản số 355/VKSTC-V12 ngày 25/01/2019 của Vụ 12 Viện kiểm sát nhân dân tố cao về việc giải đáp vướng mắc về công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Tại mục 10 có nêu: “Theo quy định tại Điều 159 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị, không quy định biện pháp trực tiếp kiểm sát như Bộ luật Tố tụng hình sự. Như vậy, khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, Viện kiểm sát có quyền áp dụng 03 biện pháp yêu cầu, không trực tiếp kiểm sát. Tuy nhiên, khi trực tiếp kiểm sát công tác thi hành án dân sự theo Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát có thể kết hợp biện pháp yêu cầu Cơ quan thi hành án cung cấp hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo để kiểm sát”.
Theo hướng dẫn áp dụng pháp luật nêu trên. Viện kiểm sát có quyền áp dụng 03 biện pháp yêu cầu, quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 17. Pháp luật quy định không trực tiếp kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
2. Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Một số đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố do không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nên đã ban hành Quyết định và tiến hành trực tiếp kiểm sát tại Chi cục thi hành án dân sự huyện, thành phố là không đúng đối tượng kiểm sát, không đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Vi phạm điểm d khoản 1 Điều 17 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp “Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền”.
Do có những sai sót, vi phạm nêu trên, Viện KSND tỉnh Hà Giang cần thông báo đến Viện KSND các huyện, thành phố để rút kinh nghiệm công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành đạt hiệu quả cao hơn.